Mệt mỏi là trạng thái bình thường khi ta làm việc quá sức, thiếu ngủ hoặc gặp vấn đề nào đó khó khăn… Nhưng tại sao có người lại luôn cảm thấy mệt mỏi kéo dài? Sau đây là 7 nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn luôn có cảm giác “chỉ muốn nằm”.
Ăn quá nhiều carb tinh chế
Carbohydrate (carbs) là một loại dinh dưỡng đa lượng và là thành phần cơ bản trong thức ăn của chúng ta. Nó cùng với các vitamin, lipid, protein, khoáng chất giúp cơ thể phát triển. Khi chúng ta tiêu thụ carb, cơ thể sẽ phá vỡ chúng thành đường và sử dụng để làm nguồn năng lượng.
Tuy nhiên, ăn nhiều lượng carb tinh chế có thể khiến bạn mệt mỏi nhiều hơn. Bởi vì cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường và carb đã qua chế biến có thể làm tăng đường huyết. Chúng có thể khiến cơ thể bạn mệt mỏi vì nồng độ đường huyết tăng giảm. Một số thực phẩm chứa carb tinh chế đó là bánh mì trắng, bột mỳ trắng, pizza, ngũ cốc chứa đường…
Lối sống ít vận động
Ít ai biết rằng ít vận động là nguyên nhân khiến cơ thể thiếu hụt năng lượng. Nhưng có những người lại bảo rằng họ cảm thấy quá mệt mỏi để có thể tập thể dục. Rất có thể họ mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính nên hạn chế khả năng tập tành của bản thân.
Một nghiên cứu khảo sát gồm 1.500 người cho thấy tập thể dục có thể giảm mệt mỏi. Với những người khỏe mạnh, sự năng động sẽ giúp họ bớt cảm giác uể oải hơn. Nhiều người có thói quen ngồi cả ngày để làm việc, không vận động sẽ gây ra chứng mệt mỏi kéo dài. Vì thế, dù bận rộn đến đâu, bạn cũng nên vận động thường xuyên để cơ thể tăng sức dẻo dai.
Thiếu vitamin
Một nguyên nhân mệt mỏi kéo dài có thể nói đến đó là thiếu vitamin. Nếu cơ thể thiếu vitamin D, vitamin B12, magie, sắt, kali cũng sẽ khiến cơ thể cảm thấy mệt. Để biết được mình đang thiếu chất gì, bạn nên đi xét nghiệm máu.
Bác sĩ sẽ kê thuốc bổ sung vitamin. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Chúng ta nên ăn đa dạng các loại thức ăn để tăng cường chất bổ cho cơ thể.
Không ngủ đủ giấc
Giấc ngủ cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe con người. Nếu không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ khó hồi phục năng lượng sau một ngày dài làm việc bận rộn. Trong khi ngủ, cơ thể của chúng ta hồi phục trí nhớ, giải phóng hormone để điều hòa sự trao đổi chất và năng lượng. Một giấc ngủ ngon vào buổi tối sẽ giúp bạn tràn trề năng lượng vào sáng hôm sau.
Theo các chuyên gia, trung bình người trưởng thành cần ngủ 7 tiếng đồng hồ mỗi đêm. Hơn nữa, bạn không nên để tỉnh giấc và khi đi vào giấc ngủ cần thoải mái, thư thái nhất. Bạn cũng cần tránh thức quá khuya vì đây là thói quen xấu ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như sức khỏe.
Do căng thẳng
Căng thẳng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ như bạn mất người thân, công việc không thuận lợi, tài chính khó khăn… Dù là nguyên nhân gì thì nó cũng gây ra nhiều vấn đề như đau cơ, đau đầu, đau dạ dày và mệt mỏi.
Khi bị stress, cơ thể sản sinh ra quá nhiều cortisol và adrenaline khiến cơ thể quá tải và có cảm giác mệt.
Học cách thư giãn, gải tỏa lo âu cũng là cách để bảo vệ sức khỏe. Bạn hãy tập thiền, nghe nhạc, đọc sách trước khi ngủ. Bạn cũng bỏ qua những chuyện vặt vãnh để đầu óc được thảnh thơi.
Do thuốc
Khi bị mệt mỏi nhiều, bạn hãy xem xét mình có đang uống thuốc trị bệnh gì không. Bởi vì một số loại thuốc có thể khiến cơ thể mệt mỏi thường xuyên.
Hãy tạo cho mình thói quen đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ tác dụng phụ của thuốc để đảm bảo sẽ chăm sóc bản thân tốt hơn, nghỉ ngơi nhiều hơn. Bên cạnh đó, bạn không nên dùng thuốc bừa bãi vì nó có thể gây nên tác dụng phụ mà ta không biết.
Do bị bệnh
Nếu đã nghỉ ngơi đầy đủ nhưng bạn vẫn mệt thì rất có thể bạn đang mắc một căn bệnh nào đó. Ví dụ như hội chứng đau cơ xơ hóa ảnh hưởng đến các cơ và phần mềm cơ thể. Hay mệt mỏi cũng là triệu chứng của tiểu đường.
Ngoài ra, chứng trầm cảm cũng khiến bạn cảm thấy thiếu năng lượng. Mệt mỏi thường xuyên không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh ung thư nào đó.
Dù là nguyên nhân nào đi nữa, mệt mỏi kéo dài cũng không hề tốt cho sức khỏe. Bạn cần cẩn thận đi khám sớm nếu sức khỏe không hồi phục sau khi nghỉ ngơi.
Minh Anh (Theo Healthline)
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.